Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Nợ xấu khủng nhiều năm của ngân hàng VPBank


Tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng nhanh, biến ngân hàng này trở thành một trong 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các nhà băng.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn Việt Nam bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Sacombank với con số lên tới 4,89% tổng dư nợ, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Kế đến là VPBank - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm.
Quý I/2017, nợ xấu chiếm 2,86% tổng dư nợ

Cụ thể, theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017 cho thấy, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm và chiếm 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý I đang ở mức 3,5% trên tổng dư nợ, so với mức 2,91% hồi đầu năm.

Thông tin đăng tải trên BizLIVE cũng cho hay, quý I/2017, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục - 1.924 tỷ đồng, tăng trưởng tới 85,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, hơn nửa số lợi nhuận này của ngân hàng không đến từ ngân hàng mẹ mà đến từ các công ty con, chủ yếu là đến từ Công ty tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit.
Theo báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ, thu nhập lãi thuần trong kỳ chỉ đạt 2.179 tỷ đồng, tương đương 45,1% con số hợp nhất. Trong khi đó, nhờ giảm chi phí dự phòng 28,9% so với cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế đạt 814 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ và chiếm 42,3% lợi nhuận hợp nhất.
Được coi là “gà đẻ trứng vàng”, tạo ra nguồn lợi nhuận lớn cho VPBank nhưng FE Credit cũng chính là nguyên nhân làm tăng mạnh nợ xấu của ngân hàng này.




Ảnh: Internet.

Năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,69% lên 3,08%

Trước đó, theo thông tin đăng tải trên Soha ngày 5/11/2016, trích nguồn theo CafeF, tính đến ngày 30/9/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 205 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ của VPBank được nâng lên 9.181 tỷ đồng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07%.

Cho vay khách hàng đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12%, trong số này cho vay qua công ty tài chính FE Credit chiếm 22%. Tiền gửi của khách hàng đạt 126 nghìn tỷ đồng, âm 3% so với thời điểm đầu năm. Trước đó, báo cáo nửa đầu năm, VPBank cũng cho biết ngân hàng tăng trưởng âm huy động vốn. Điều này cho thấy VPBank đang giảm đột ngột tốc độ huy động vốn trong lúc tín dụng tăng trưởng chậm lại.

Nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Và đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank – công ty tài chính FE Credit chiếm 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu. Tính chung, tổng quy mô tổng nợ xấu của VPBank hợp nhất ở mức hơn 4.012 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,09%. Xét về kết quả hợp nhất thì đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số hơn chục nhà băng đã công bố minh bạch số liệu.

Năm 2015, VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu 2.7%

Ngoài ra, thông tin đăng tải ngày 29/3/2016 trên vietstock.vn cho biết, năm 2015 là năm VPBank quyết định rút ra khỏi hoạt động chứng khoán (dịch vụ ngân hàng đầu tư), theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Vinh – TGĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank, đây là hoạt động không nằm trong lĩnh vực cốt lõi của ngân hàng.
Đến cuối năm 2015, VPBank chính thức chỉ còn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và 2 công ty thành viên là Công ty Tài chính VPBank FC (chuyên về hoạt động tín dụng tiêu dùng) và Công ty AMC (liên quan đến việc quản lý tài sản và chuyên môn hóa trong xử lý nợ), sở hữu tại CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) giảm xuống chỉ còn 11%.

Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của VPBank đạt 193,876 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 152,131 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch; dư nợ cấp tín dụng bao gồm cho vay và trái phiếu đạt 131,000 tỷ, vượt kế hoạch hơn 10%.

Liên quan đến những thông tin về việc VPBank tăng trưởng nóng về tín dụng, ông Vinh cho rằng mức tăng trưởng này là hợp lý trong bối cảnh ngân hàng trải qua 3 năm cải thiện bộ máy, công nghệ. Đi sâu vào phân tích, tăng trưởng tín dụng tập trung vào phân khúc khách hàng chiến lược của VPBank, trong đó đứng đầu về tốc độ tăng trưởng là tín dụng tiêu dùng, sau đó tín dụng bán lẻ (tổng dư nợ hiện tại là 33,000 tỷ đồng), SME (hơn 24,000 tỷ đồng), tổng mức tăng trưởng của nhóm khách hàng thuộc phân khúc này đạt hơn 70% trong khi mảng doanh nghiệp lớn mặc dù có sự tăng trưởng nhưng chỉ đạt trên dưới 30%.
Với mức tăng trưởng như vậy, VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu 2.7% tại thời điểm kết thúc năm 2015, tăng nhẹ so với 2014. Lý giải vấn đề này, ông Vinh cho biết, lý do bởi VPBank đã tham gia vào một số phân khúc cho vay có độ rủi ro cao hơn như tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp, hay cho vay một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên cũng theo ông Vinh, VPBank đã có hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro để đảm bảo tỷ lệ này dưới phạm vi cho phép là 3%.

Kết thúc năm 2015, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2015 gần 3,300 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với 2014 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận lãi trước thuế gần 3,100 tỷ, tăng 92% chủ yếu do tổng thu nhập thuần tăng mạnh lên hơn 12,000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là dù ghi nhận lợi nhuận trong năm 2015 tăng mạnh nhưng HĐQT VPBank lại đề xuất là không chia cổ tức bằng tiền mà chỉ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13.07%. Theo ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.
Theo chia sẻ của ông Vinh tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 tổ chức chiều ngày 28/3/2016, lý do nợ xấu năm 2015 của ngân hàng tăng so với năm 2014 bởi VPBank đã tham gia vào một số phân khúc cho vay có độ rủi ro cao hơn như tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp, hay cho vay một số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các năm trước đó, liên tục nâng chỉ tiêu nợ xấu
Bên cạnh đó, theo thông tin đăng tải ngày 7/6/2014 trên Thời báo ngân hàng, tại Đại hội cổ đông năm 2012, cổ đông chiến lược là Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) đã rất lo ngại khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng VPBank nâng chỉ tiêu nợ xấu lên mức "kiềm chế dưới 3%". Chỉ tiêu này được đánh giá là quá cao so với tỷ lệ 1,82% của năm 2011.

Khi ấy, lãnh đạo VPBank giải thích ngắn gọn rằng hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn cũng là xu hướng chung của hệ thống ngân hàng và nợ xấu bình quân của ngành tăng cao nên cần điều chỉnh tăng tỷ lệ nợ xấu của năm 2012. Thế nhưng, giải thích này cùng diễn biến nợ xấu sau đó đã chẳng thể "xoa dịu" cổ đông.

Đến cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 - 5 của VPbank bất ngờ tăng vọt lên mức 2,71% tổng dư nợ, tương ứng 1.003 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5, có nguy cơ mất vốn, vẫn còn khá khiêm tốn là 191 tỷ đồng.

Năm 2013, nợ xấu của VPbank đáng ngại hơn khi tiếp tục tăng lên, đạt hơn 1.474 tỷ đồng, chiếm gần 2,81% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi so với cuối năm 2012, lên mức 405 tỷ đồng. Điều này đã khiến ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng thêm 129,7 tỷ đồng, lên mức 386,2 tỷ đồng (cuối năm 2013).

Theo báo cáo tài chính quý I/2014, nợ xấu đã nhích lên mức 1.573 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ.

Theo kienthuc.net

Tỷ lệ nợ xấu nhóm doanh nghiệp lớn cao


Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, chúng ta đừng hiểu lầm cho DNNVV vay nhiều thì dẫn đến nợ xấu.

Tại buổi họp báo sau Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp chiều 17/5, phóng viên đã đặt câu hỏi với Chính phủ về những thu phí tiếp cận vốn, tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, việc tăng cường vốn cho các đối tượng này có đi ngược với những mục tiêu đặt ra là làm thế nào hạn chế tối đa việc giảm tỉ lệ nợ xấu và giảm rủi ro cho các ngân hàng?

Thay mặt NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng vấn đề như phóng viên đặt câu hỏi không có gì là ngược, đây là việc hết sức đồng thuận, chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức hay không chính thức là nhu cầu hết sức cấp bách. Giảm chi phí để tiếp cận vốn có thể bằng nhiều hình thức nhưng có một việc thiết yếu là làm thế nào giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngân hàng thương mại trên cơ sở tiết kiệm chi phí hợp lý. Việc giảm chi phí này của các ngân hàng thương mại nhiều năm qua đã rất tích cực, thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí cũng như lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở tiết kiệm chi phí một cách hợp lý.

Còn việc giảm chi phí của các ngân hàng thương mại nằm trong chương trình chung của nhiều năm qua và các ngân hàng thương mại cũng đã rất tích cực thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí, đặc biệt là lãi suất cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi phải giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có rất nhiều biện pháp chứ không phải chỉ là giảm chi phí. Tất nhiên các ngân hàng thương mại tạo được nhiều thuận lợi, tạo được nhiều nguồn thu để giảm nợ xấu cũng như rủi ro của mình. Đó cũng là những yêu cầu đặt ra đối với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, NHNN cho rằng các ngân hàng thương mại để thực hiện được mục tiêu giảm rủi ro, phải tăng dự phòng chống rủi ro với nhiều biện pháp, nhiều nội dung.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông bổ sung thêm rằng câu hỏi của phóng viên có nhắc đến việc cho vay đối với DNNVV, và dường như có cảm giác rằng mở rộng cho vay đối với DNNVV là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu.

"Ở góc độ phát triển DN, đặc biệt là chúng tôi đang trình Luật Hỗ trợ DNNVV, chúng tôi phải làm rõ vấn đề này. Số thống kê trong thời gian vừa qua mà tôi biết được thì nợ xấu nằm ở khu vực DNNVV rất thấp. Ngân hàng NN&PTNT, tỉ lệ nợ xấu cho vay đúng đối tượng DNNVV và những đối tượng nông nghiệp, nông dân và nông thôn là đối tượng theo chức năng, tôn chỉ mục đích của ngân hàng này. Nợ xấu lúc nặng nhất là dưới 2% và sau đó xuống dưới 1,5%, còn phần nợ trên 6, 7% nằm ở thành phố lớn và DN lớn. Theo số liệu mới nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội là nơi cho người nghèo, những người rất khó khăn, các đối tượng khó khăn trong xã hội thì tỉ lệ nợ xấu ở đó đều dưới 1,5%, là tỉ lệ nợ xấu rất thấp.

Nói vậy để chúng ta đừng hiểu lầm cho DNNVV vay nhiều thì dẫn đến nợ xấu. Còn đương nhiên ngân hàng sẽ có những quản lý theo chuẩn mực của ngân hàng. Các DNNVV muốn không phải tiếp cận nguồn vốn của tín dụng đen thì phải vươn lên để đáp ứng một số chuẩn, yêu cầu của ngân hàng, chuẩn tối thiểu về an ninh tài chính, an ninh tín dụng. Ở góc độ đó, theo Luật Hỗ trợ DNNVV, chúng tôi cũng đưa ra các chương trình Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, quản lý sổ sách, tài chính… để đạt được chuẩn khi họ đi vay vốn. Bằng cách đấy chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu an ninh trong hệ thống tín dụng" thứ trưởng nói.

Theo Trí thức trẻ

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Sacombank nợ xấu lên tới 10.083 tỷ trong quý I/2017


(Kiến Thức) - Với 10.083 tỷ đồng nợ xấu (tính hết quý I/2017), Sacombank dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu trong nhóm 10 ngân hàng lớn tại Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo thị trường hàng ngày vừa được công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2017 phân hóa giữa các ngân hàng.

Thống kê từ 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong đó, nợ xấu ngân hàng tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.
Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý I là Vietcombank, VIB và Kienlongbank.
Theo BVSC, Vietcombank vẫn đang là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý I/2017 chỉ ở mức 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016.

Theo kienthuc.net

Chính phủ báo cáo tỷ lệ nợ xấu cao lên tới 10,08%


Chính phủ báo cáo tỷ lệ nợ xấu lên 10,08%

(Dân Việt) Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.


Chính phủ đã chuẩn bị hồ sơ Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khai mạc sáng 22.5 tới đây.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Trong phần giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết với tỷ lệ nợ xấu là 5,8% thì nợ xấu của TCTD được kiểm soát đặc biệt chỉ chiếm khoảng 30% nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD, 70% số nợ xấu còn lại là nợ xấu của TCTD khác.

“Như vậy, nếu không áp dụng Nghị quyết đối với 70% nợ xấu thì khó thực thực hiện được mục tiêu xử lý nhanh, triệt để nợ xấu, bảo đảm quyền chủ nợ theo định hướng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo thống kê của Dân Việt thông qua báo cáo tài chính quý I.2017 của 11 NHTM (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB, VIB, Techcombank, SHB, Sacombank, ACB, Eximbank, VPBank) cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng lên so với cuối năm 2016.
 

Cụ thể, tổng số nợ xấu của 11 NHTM là 58.787 tỷ đồng, tăng 3.391 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.

Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016.
 

Techcombank cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016.

Báo cáo tài chính quý I.2017 cũng cho thấy, lãi dự thu của 11 ngân hàng trên là 53.705 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2016.
 

Quá trình tổng kết của Chính phủ cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hạn chế quyền mua, bán nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các chủ thể khác không phải là TCTD; pháp luật hiện hành cho phép được mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ... Các bất cập này cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD/VAMC.

Thứ hai, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm như: quy định về xử lý vi phạm nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quy định cho phép kê biên cả tài sản bảo đảm, quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản...

Thứ ba, thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng: 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18).

Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Thứ tư, pháp luật về thuế, phí liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều quy định không hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Các vướng mắc pháp lý nêu trên hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như hình thức nghị quyết hoặc luật của Quốc hội.

Theo lịch làm việc, sáng mai, ngày 17.5, tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội XIV sẽ có phiên thảo luận về xử lý nợ xấu.

Theo danviet

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Các ông lớn ngân hàng đau đầu vì nợ xấu


Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn Việt Namm bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, SHB, MB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước.

Xét về con số tuyệt đối, thì 9/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó Sacombank có hơn 10.083 tỷ đồng nợ xấu, còn hai “ông lớn” Vietinbank và Vietcombank có số nợ xấu lần lượt là 7.017 tỷ đồng và 7.376 tỷ đồng, tăng 6,3% và 17,4% so với đầu năm.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Sau một thời gian khá dài vật lộn với khó khăn, có thể nói quý I/2017 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của ngành ngân hàng khi hàng loạt các nhà băng “hân hoan” báo lãi tăng vọt, thậm chí gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm trước như Techcombank hay Eximbank. Một số “ông lớn” khác cũng báo lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank...



Quý I, tình hình nợ xấu tiếp tục tăng cao đối với nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa)

Với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, Sacombank đang là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm về tỷ lệ nợ xấu, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Về con số tuyệt đối, dù có giảm nhẹ so với đầu năm, nhưng Sacombank vẫn là một trong những nhà băng đứng đầu với 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng ở mức 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.

Theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm nhưng vẫn ở trong khoảng “an toàn” là 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng.

Đứng thứ ba trong những ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank. Tính đến hết quý I, ngân hàng này đang có hơn 2.589 tỷ đồng nợ xấu, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tăng trưởng âm nên đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên mức 3%, so với mức 2,95% hồi cuối năm 2016.

Trước đó, trong dự thảo lần 1 liên quan đến Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, NHNN cho rằng, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như sau khi có VAMC ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, tính đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế.

NHNN cũng đánh giá việc xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu khả quan nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.

Tính đến thời điểm này, đã có 2 ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC và một số ngân hàng cũng đang dự kiến sẽ mua lại các khoản nợ xấu đã bán trong năm nay để làm sạch danh mục nợ xấu tại VAMC.

Có nhiều lý do để các ngân hàng phải tính cách thức xử lý nợ xấu chủ động một cách mạnh mẽ trong năm nay. Trong đó, nguyên nhân chính phải kể đến là một số ngân hàng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng, hoạt động kinh doanh ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong năm 2016 và kế hoạch lợi nhuận tăng cao hơn trong năm 2017, giúp trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ xấu.

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên ở nhiều phân khúc kể từ năm 2015 cho đến nay cũng là một nguyên nhân, đặc biệt là phân khúc đất nền không chỉ trong khu vực nội thành mà còn ở các tỉnh xung quanh TP. HCM, Hà Nội… tạo cơ hội tốt trong việc xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản- đây là tài sản thế chấp cho phần lớn các khoản nợ xấu tại các ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng có đủ tiềm lực để quay trở lại mua khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và đây là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình xử lý nợ của hệ thống ngân hàng.

Ngoài 2 ngân hàng trên, nhiều NHTM khác cũng xác định nhiệm vụ tự thân đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể tổng nợ mà ngân hàng này đã bán cho VAMC từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Hay như OCB cũng dự định làm sạch danh mục nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1%.

VAMC đang thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và đang từng bước triển khai các công việc cụ thể như đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ theo giá thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các ngân hàng để thống nhất phương án triển khai.

Cho đến nay mới chỉ có VCB đã mua lại hoàn toàn các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó. Một số ngân hàng tương tự đang lên kế hoạch mua lại các khoản nợ đã bán cho công ty này trong năm nay, tuỳ theo tình hình tài chính và kế hoạch riêng của từng ngân hàng. Do đó, trong năm nay sẽ còn nhiều ngân hàng vẫn duy trì các khoản nợ xấu đã bán tại VAMC và tiếp tục phối hợp để giải quyết cho hiệu quả.

Theo thuonghieucongluan

Nợ xấu trên thực tế có thể lớn hơn nhiều lần so với báo cáo

Một lần nữa, mức độ thực tế của nợ xấu ngân hàng được đánh giá có thể hơn rất nhiều so với báo cáo...

Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, trong khuôn khổ đề án xây dựng dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, mức độ nợ xấu một lần nữa được đánh giá lại.



Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.

Tính đến 31/12/2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã đưa ra đánh giá thận trọng hơn về mức độ nợ xấu, ở một cấp độ khác so với con số 2,46% nói trên (con số theo báo cáo của các tổ chức tín dụng).

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Và tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ, do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Như trên, mức độ đánh giá của Ngân hàng Nhà nước không dừng lại ở con số tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, mà còn ở lượng mà VAMC đang quản lý, và đặc biệt là cả dạng “nợ tiềm ẩn thành nợ xấu”.

Trước khi có chủ trương tái cơ cấu và có đề án xử lý nợ xấu, từ năm 2011 trở về trước, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam được báo cáo phổ biến dưới mốc 3%, có thời điểm tăng lên 3,4%. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại, từ báo cáo của các thành viên và qua kênh giám sát từ xa, mức độ thực của nợ xấu được thống kê lên tới hai con số.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 30/9/2012, nợ xấu toàn hệ thống từng được xác định lên tới 17,21%.

Theo anninhtiente

Nợ xấu ngân hàng thực tế lớn hơn con số báo cáo


Số liệu thống kê cho thấy, việc xử lý nợ xấu ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong vấn đề này.



Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 2,46%



Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu một cách triệt để vẫn còn khá “nan giải” khi có ý kiến nghi ngại về khả năng nợ xấu trên thực tế có thể còn lớn hơn con số qua báo cáo.

Nhiều ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 2,46%. Hầu hết các ngân hàng niêm yết (ngoại trừ STB) đã đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 về mức mục tiêu dưới 3%. Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho hay, số liệu nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng và con số thanh tra giám sát của NHNN đã trùng nhau, sau khi các ngân hàng tham chiếu số liệu nợ xấu với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và thực hiện phân loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Số liệu nợ xấu thực tế của cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã giảm từ mức 4,83% vào cuối năm 2014 về mức 2,46% vào cuối tháng 12/2016.

Có một điểm đáng lưu ý là phần lớn nợ xấu được xử lý bằng chính nguồn lực của các ngân hàng. Theo BSC, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, tổng nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 328 nghìn tỷ đồng, trong đó, sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro chiếm 43% tổng nợ tự xử lý và thu nợ từ khách hàng chiếm 33%.

Còn theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016, các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, qua nguồn dự phòng chiếm 26,6% và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%.

Thống kê từ BSC cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu của nhiều ngân hàng chuyển biến tích cực. Một số ngân hàng trích lập dự phòng nhanh hơn dự kiến, bao gồm: VCB hoàn tất trích lập nợ xấu bán cho VAMC; ACB dự kiến hoàn tất xử lý nợ xấu nhóm G6 trong năm 2017; CTG dự kiến đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2017.

Báo cáo của BSC còn cho biết thêm, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu tăng 12% theo năm, lên tới 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% tổng thu nhập trước dự phòng. Một số ngân hàng (viết tắt theo mã chứng khoán) có tốc độ tăng chi phí dự phòng nhanh là NVB (+162% theo năm), BID (+63% theo năm), SHB (+57% theo năm), ACB (+38% theo năm),… Tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu/tổng nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng và ở mức cao như ACB (126%), VCB (119%), MBB (103%) và CTG (102%). “Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VCB, MBB được dự kiến giảm mạnh từ năm 2017 và của ACB, CTG giảm mạnh từ năm 2018”, báo cáo đánh giá.

Nợ xấu đã giảm, thực hay không?

Báo cáo của BSC lưu ý rằng, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu chưa thể hiện đầy đủ chất lượng nợ của các ngân hàng. Nợ xấu thực tế nằm trong các ngân hàng có thể cao hơn con số này. Công ty này cũng đã đưa ra một vài số liệu liên quan đến nhận định trên. Theo đó, tổng lãi, phí phải thu của các ngân hàng thương mại niêm yết lên đến 79 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,97% tổng dư nợ cho vay của 10 ngân hàng (VCB, CTG, BID, MBB, ACB, STB, SHB, EIB, NVB, VIB). Một số ngân hàng có tỷ lệ lãi, phí phải thu/ tổng cho vay cao là STB (13,27%), NVB (12,23%). Đồng thời, tổng giá trị nợ xấu, trái phiếu VAMC và tài sản có khác (gọi chung là tài sản nghi ngờ) của nhiều ngân hàng vượt cả vốn chủ sở hữu (VCSH) như: NVB (540% VCSH), STB (396% VCSH), SHB (396%), BID (111%) và EIB (98%).

Tuy nhiên, BSC cũng cho rằng, với sự ra đời của Thông tư 02 và Thông tư 09, chênh lệch giữa con số nợ xấu theo báo cáo của cơ quan giám sát NHNN và báo cáo của các ngân hàng thương mại đã được xóa bỏ. Các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh quản trị rủi ro tín dụng, siết chặt cho vay, đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu sau bài học về tăng trưởng nóng. Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt tạo ra nguồn thu nhập tốt để trả nợ cho các khách hàng. Do vậy, “tình trạng nợ xấu thực tế của các ngân hàng đã giảm và minh bạch hơn nhiều” – báo cáo của BSC khẳng định.

Theo thoibaotaichinhvietnam